TỰ NHIÊN:
Tự nhiên (cũng được gọi thiên nhiên, thế giới vật chất, và thế giới tự nhiên) là tất cả vật chất và năng lượng chủ yếu ở dạng bản chất.
Tính về độ lớn, "tự nhiên" bao gồm những thứ thật lớn như vũ trụ đến những thứ thật nhỏ như hạ nguyên tử, tức là bao gồm tất cả những thú vật, thực vật, và khoáng vật; tất cả tài nguyên và thiên tai (bão táp, vòi rồng, và động đất). Nó cũng bao gồm cả hành vi của thú vật sống, và những quá trình có liên quan với chất vô sinh.
TỰ NHIÊN:
theo nghĩa rộng, là tất cả những gì đang tồn tại khách quan - toàn thế giới với tất cả các hình thức biểu hiện muôn màu, muôn vẻ của nó. Theo nghĩa này, khái niệm TN là cùng bậc với các khái niệm "vật chất", "vũ trụ". Trong quá trình phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, giới TN đã trải qua hàng loạt trình độ khác nhau: TN vô cơ, TN hữu cơ (sinh quyển), xã hội loài người. Sự xuất hiện của xã hội là bước nhảy quan trọng nhất trong sự phát triển TN. Khi đã hình thành trên cơ sở của sinh quyển, xã hội có một loại đặc điểm mới về nguyên tắc, vì vậy, nó là một bộ phận đặc biệt của TN, có sự đối lập tương đối với toàn bộ TN còn lại. Chính điều đó dẫn tới việc sử dụng khái niệm TN. Theo nghĩa hẹp (nghĩa thường dùng), TN là tập hợp các điều kiện TN vốn sẵn có, tồn tại ngoài tác động của con người (trước hết là môi trường địa lí) và những điều kiện vật chất cần cho sự tồn tại của xã hội loài người do chính con người tạo ra (còn gọi là "tự nhiên thứ hai", "tự nhiên nhân hoá"). Giữa xã hội và TN thường xuyên diễn ra sự tiến hoá của quá trình tác động qua lại. Người ta có thể chia sự tiến hoá của quá trình đó thành các giai đoạn: 1) Sử dụng các sản phẩm có sẵn, 2) Tiền công nghiệp (tương ứng với lịch sử cổ đại và trung đại), 3) Công nghiệp. Ở giai đoạn công nghiệp, quan hệ giữa xã hội và TN có sự chuyển biến về chất: xã hội chuyển từ sự sử dụng tự phát nguồn tài nguyên TN sang việc tổ chức có mục đích các quá trình TN, tức là sản xuất ra những điều kiện TN có lợi cho con người. Sự hình thành môi trường lịch sử TN do lao động của con người tạo ra, môi trường tác động qua lại giữa xã hội và TN là đặc điểm cơ bản đánh dấu sự chuyển biến về chất trong sự tác động qua lại của chúng. Vào thế kỉ 20, khái niệm về lĩnh vực tác động qua lại giữa TN và xã hội với những tên gọi khác nhau (kĩ quyển, nhân loại quyển, xã quyển, trí quyển) đã được phát triển trong các lĩnh vực tri thức khác nhau. Khái niệm trí quyển, được Vecnatxki V. I.(V.I. Vernadskij) sử dụng, nhấn mạnh vai trò tích cực hàng đầu của ý thức, của khoa học trong quá trình tác động qua lại giữa xã hội và TN. Tuy nhiên, sự xuất hiện của xã hội hoàn toàn phải là sự biến đổi căn bản bản thân các quy luật của TN.
THẾ GIỚI:
theo nghĩa rộng, là toàn bộ hiện thực khách quan (tất cả những gì tồn tại ở bên ngoài và độc lập với ý thức con người). TG là nguồn gốc của nhận thức. Con người nhận thức TG bên ngoài tự nhiên và xã hội trong quá trình thực tiễn sản xuất xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, TG bên ngoài hoặc là sản phẩm sáng tạo của một thực thể tinh thần siêu nhiên, hoặc là sản phẩm của ý thức con người.
Theo nghĩa hẹp, khái niệm TG được dùng chỉ đối tượng của vũ trụ học, nghĩa là bộ phận TG vật chất do thiên văn học nghiên cứu. Người ta đã chia bộ phận TG vật chất đó thành hai lĩnh vực, nhưng không có ranh giới tuyệt đối: TG vi mô và TG vĩ mô. Từ xưa đến nay, triết học và khoa học tự nhiên luôn xuất phát từ những hiểu biết nhất định để xây dựng một thế giới quan về mặt triết học và khoa học tự nhiên; trong quá trình này, luôn có sự đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định tính thống nhất (vật chất) của TG, sự vận động vĩnh viễn và có quy luật của vật chất trong không gian và thời gian; đồng thời chấp nhận định đề là TG không có bắt đầu và không có kết thúc. Song, chủ nghĩa duy vật biện chứng không suy luận một cách tư biện về bản chất cụ thể, cấu trúc và quy luật của bộ phận TG mà ta còn chưa biết, điều này phải tiếp tục tìm hiểu từng bước trong quá trình nhận thức vô hạn về TG. Những khám phá cụ thể mới nhất của khoa học về TG vật chất đã và đang xác nhận, làm phong phú quan niệm duy vật biện chứng về bản chất của TG là hiện thực khách quan tồn tại ngoài ý thức chúng ta.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có cách đóng góp hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.