.

Banner Maker

++Tin tức đang cập nhật++

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

Cực quang

Trong thiên văn học, cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do
sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt Trời. Các dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi làm cho chúng trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Đây có thể coi là một trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên

        Bắc cực quang                                           Nam cực quang

Trên Trái Đất, Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh, các cực quang được sinh ra do tương tác của các hạt trong gió mặt trời với từ trường của hành tinh, và vì thế chúng là rõ nét nhất ở các vĩ độ cao gần các cực từ. Vì lý do này, cực quang diễn ra ở bắc bán cầu Trái Đất được gọi là bắc cực quang, hay ánh sáng bắc cực; và ở nam bán cầu thì là nam cực quang. Tuy nhiên, cực quang cũng diễn ra trên Kim Tinh và Hỏa Tinh mà chúng lại gần như không có từ trường của hành tinh. Trên Kim Tinh, các phân tử của khí quyển được tích tụ năng lượng trực tiếp từ gió mặt trời; trên Hỏa Tinh, các cực quang diễn ra gần các điểm dị từ khu vực trong lớp vỏ hành tinh, là tàn dư của từ trường cũ của hành tinh (giả thiết) mà ngày nay không còn tồn tại nữa.
Trên Trái Đất, cực quang diễn ra khi các đới bức xạ Van Allen trở nên "quá tải" với các hạt cao năng lượng, sau đó chúng đổ xuống các đường sức từ và va chạm với lớp trên của bầu khí quyển Trái Đất

Nguồn gốc và biểu hiện

Nguồn gốc của các cực quang là khoảng 149 triệu km tính từ Trái Đất về hướng Mặt TrờiCác hạt cao năng lượng từ Mặt Trời được đưa vào không gian cùng với gió mặt trời nóng và luôn luôn tồn tại. Luồng gió này đâm với tốc độ siêu nhanh về phía Trái Đất thông qua khoảng không gian liên hành tinh với vận tốc dao động trong khoảng 300 đến trên 1.000 km/s, mang theo cùng với nó là từ trường mặt trời.
Bắc cực quang trên South Dakota


Gió mặt trời làm nhiễu loạn từ trường của Trái Đất để tạo ra quyển từ chứa đầy plasma và có hình dạng tựa sao chổi. Từ trường của Trái Đất có tác dụng như một vật cản, bảo vệ Trái Đất trước các hạt tích năng lượng và bức xạ trong gió mặt trời. Năng lượng và xung lượng của hạt được truyền từ gió mặt trời sang quyển từ thông qua một quy trình được biết như là "tái kết nối từ". Trong quá trình này, các đường sức từ liên hành tinh (xuất phát từ Mặt Trời) được kết hợp với địa từ trường. Các hạt trong gió mặt trời có thể đi vào các đường sức từ mới tạo thành. Các nhà vật lý nghiên cứu về cực quang gọi đó là "đường sức từ mở" (các đường này mở vào gió mặt trời). Do áp suất động lực của gió mặt trời, các đường sức từ mới tạo thành sẽ được di chuyển đối lưu trên đỉnh cực và vào trong đuôi của quyển từ Trái Đất. Ở đây, sự tái kết nối từ trường mới lại có thể diễn ra, tạo ra đường sức từ đóng mới. Đường từ trường đối lưu sẽ chứa các hạt gió mặt trời. Một số hạt sẽ có thể đi tới tầng ion trước khi đường sức từ chạm tới đuôi của quyển từ. Các hạt này tạo ra cực quang ban ngày. Cực quang ban đêm được tạo ra từ các hạt được gia tốc từ đuôi quyển từ về hướng Trái Đất. Các hạt này bị chặn lại bởi các đường sức từ đóng.
Ảnh chụp của nam cực quang, chụp từ tàu vũ trụ trên quỹ đạo vào tháng 5 năm 1991, với cực đại của địa từ trường

Các điện tử bị chặn lại trong từ trường Trái Đất (hiệu ứng gương từ) được gia tốc dọc theo từ trường về phía khu vực vùng cực và sau đó đâm vào khí quyển để tạo ra cực quang. Cực quang diễn ra mãnh liệt nhất vào thời gian hoạt động mạnh của các cơn bão từ sinh ra bởi hoạt động của vết đen mặt trời. Sự phân bổ của cường độ cực quang theo cao độ chỉ ra mức cực đại rõ nhất ở khoảng 100 km phía trên Trái Đất.

Các hạt đâm xuống địa từ trường, chạm tới tầng trung hòa của khí quyển trong một hình gần tròn gọi là ôvan cực quang. Hình gần tròn này có tâm ở phía trên cực từ và kích thước khoảng 3.000 km theo đường kính trong những lúc yên tĩnh. Vòng tròn này lớn nhanh khi quyển từ bị làm nhiễu loạn. Khu vực có ôvan cực quang nói chung tìm thấy trong phạm vi 60 và 70 ° tính theo vĩ độ bắc hay nam. Trong thời gian Mặt Trời hoạt động tích cực thì ôvan cực quang mở rộng và các cực quang có thể được nhìn thấy từ các vĩ độ thấp tới 25-30 ° bắc và nam trong một số trường hợp. Ví dụ, ngày 7 tháng 11 năm 2004, sau khi có hoạt động phun trào của Mặt Trời mãnh liệt, chúng được nhìn thấy ở xa tới tận Arizona. Ở vĩ độ 45 ° cực quang có thể nhìn thấy vào khoảng 5 lần/năm, trong khi ở trên 55 ° thì gần như nhìn thấy chúng mọi đêm.

Hình ảnh cực quang trên Trái Đất.




Các điểm đặc trưng của cực quang là chúng có nhiều hình dạng và kích thước. Các cung và tia cực quang cao bắt đầu sáng rõ ở cao độ 100 km trên bề mặt Trái Đất và kéo dài lên phía trên dọc theo từ trường trong hàng trăm kilômét. Các cung hay màn này có thể mỏng chỉ khoảng 100 métt khi mở rộng ra đường chân trời. Các cung cực quang có thể gần như đứng im và sau đó tựa như bàn tay, chúng tạo ra một cái màn cao, bắt đầu nhảy múa và đổi hướng. Sau nửa đêm quyến rũ, cực quang có thể có hình dáng loang lổ và các đốm thông thường nhấp nháy sau khoảng mỗi 10 giây cho đến tận rạng đông. Phần lớn các cực quang có màu vàng ánh lục nhưng đôi khi các tia cao sẽ có màu đỏ ở đỉnh và dọc theo gờ thấp của chúng. Trong một ít trường hợp, ánh sáng Mặt Trời sẽ va phải phần đỉnh của các tia cực quang tạo ra màu lam nhạt. Trong một số rất ít trường hợp (khoảng 1 lần trong 10 năm) cực quang có thể có màu dỏ sẫm như máu từ đỉnh đến đáy. Ngoài ra để tạo ra ánh sáng thì các hạt chứa năng lượng cũng sinh ra nhiệt. Nhiệt bị làm tiêu tan bởi bức xạ hồng ngoại hay bị mang đi xa bởi các trận gió mạnh trong lớp trên của khí quyển.



Trong những năm gần đây, sự phổ biến của 'Du lịch cực quang' đã đem một lượng lớn du khách tới nhiều điểm về truyền thống là không ở được trong thời gian diễn ra mùa đông vùng cực. Nhờ có ảnh hưởng làm ấm của các dòng hải lưu ấm và tương đối dễ tiếp cận của mình nên Iceland và Bắc Scandinavia là các điểm đến phổ biến nhất. Để có thể quan sát cực quang thì ngoài hoạt động của cực quang cần có các điều kiện như trời quang mây và ít ánh sáng không tự nhiên (ánh sáng đèn). Việc chụp ảnh cực quang đòi hỏi các máy ảnh phải được trang bị sao cho của chắn sáng phải mở trên 5 giây. Các pin máy ảnh kỹ thuật số bị hao rất nhanh trong điều kiện lạnh, vì thế một lời khuyên hữu ích là cần đem theo các pin dự phòng

Bản chất vật lý

Cực quang có thể sinh ra bằng tương tác của các hạt cao năng lượng (thông thường là điện tử) với các nguyên tử trung hòa trong lớp trên của khí quyển Trái Đất.

Kristian Birkeland và thực nghiệm mô hình Trái Đất của ông

Các hạt cao năng lượng này có thể kích thích (do va chạm) các điện tử hóa trị được liên kết với nguyên tử trung hòa. Các điện tử bị kích thích sau đó có thể trở về trạng thái thấp năng lượng nguyên thủy của chúng và trong quá trình đó giải phóng ra các photon (ánh sáng). Quá trình này giống như sự phóng điện plasma trong đèn neon.

Màu cụ thể nào đó của cực quang phụ thuộc vào loại khí cụ thể của khí quyển và trạng thái tích điện của chúng cũng như năng lượng của các hạt đâm vào khí của khí quyển. Ôxy nguyên tử chịu trách nhiệm cho hai màu chính là lục (bước sóng 557,7 nm) và đỏ (630,0 nm) ở các cao độ cao. Nitơ sinh ra màu lam (427,8 nm) (các ion) cũng như màu đỏ biến đổi nhanh từ ranh giới thấp của các cung cực quang đang hoạt động.

Một trong những nhà khoa học đầu tiên tiến hành mô hình hóa cực quang là Kristian Birkeland (người Na Uy). Mô hình từ trường trái đất của ông, chỉ ra rằng các điện tử cao năng lượng đâm trực tiếp vào mô hình trái đất được dẫn dắt về phía các cực từ và sinh ra các vòng ánh sáng xung quanh các cực. Ông cũng giả thiết xa hơn nữa "Các dòng điện như thế được hình dung là có thể tồn tại chủ yếu nhờ các hiệu ứng thứ cấp của các hạt tích điện từ mặt trời bị lôi kéo vào không gian" (năm 1908). Các dòng điện như vậy sau này đã được ủng hộ lớn trong bài báo của Hannes Alfvén. Năm 1969, Milo Schield, Alex Dessler và John Freeman, sử dụng tên gọi "các dòng điện Birkeland" lần đầu tiên, mà sự tồn tại của chúng cuối cùng đã được xác nhận năm 1973 nhờ vệ tinh Triad của hải quân

Giải thích

Cực quang xuất hiện là do các hạt mang điện trong luồng vật chất từ Mặt Trời phóng tới hành tinh, khi các hạt này tiếp xúc với từ trường của hành tinh thì chúng bị đổi hướng do tác dụng của lực Lorentz. Lực này làm cho các hạt chuyển động theo quỹ đạo xoắn ốc dọc theo đường cảm ứng từ của hành tinh. Tại hai cực các đường cảm ứng từ hội tụ lại và làm cho các hạt mang điện theo đó đi sâu vào khí quyển của hành tinh.
Hình ảnh cực quang trên Sao Thổ

Khi đi sâu vào khí quyển các hạt mang điện va chạm với các phân tử, nguyên tử trong khí quyển hành tinh và kích thích các phân tử này phát sáng. Do thành phần khí quyển hành tinh chứa nhiều khí khác nhau, khi bị kích thích mỗi loại khí phát ra ánh sáng có bước sóng khác nhau, tức là nhiều màu sắc khác nhau do đó tạo ra nhiều dải sáng với nhiều màu sắc trên bầu trời ở hai cực.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có cách đóng góp hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.