.

Banner Maker

++Tin tức đang cập nhật++

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Đi trên than hồng không phải là phép lạ

Than hồng có sức nóng lên tới gần 1.000 độ C. Ở nhiệt độ đó, nhiều thứ có thể cháy thành than chứ đừng nói đến da thịt của con người.
Kỷ lục thế giới đi trên than nóng đỏ lâu nhất được lập năm 1998 tại Trường Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ). 15 người đã đi 165 bước (khoảng 52 m) trên than hồng mà không ai bị thương.

Các màn trình diễn đi trên than đá nóng đỏ đã có từ hàng nghìn năm trước tại nhiều nơi trên thế giới. Sớm nhất tại Ấn Độ, người ta đã tìm thấy bằng cớ về màn trình diễn này cách đây khoảng 1.200 năm trước công nguyên. Thời cổ đại, các buổi biểu diễn đi trên lửa thường liên quan đến tôn giáo, để thể hiện sức mạnh siêu nhiên.
Vào những năm 1930, các nhà khoa học Anh đã bắt tay nghiên cứu về hiện tượng này. Hội đồng London nghiên cứu hiện tượng siêu nhiên đã tiến hành hai cuộc kiểm tra. Một người Ấn Độ tên là Kuda Bux và 2 người Anh đã biểu diễn đi bộ 12 bước bằng chân không trên đống than nóng đỏ. Một cuộc kiểm tra khác được hội đồng tiến hành sau đó với một người đàn ông Hồi giáo có tên là Ahmed Husain. Tất cả kết quả cho thấy, họ đều đi qua bãi than nóng đỏ bằng chân trần mà không hề bị tổn thương. Tài liệu về các cuộc kiểm tra này đã được công bố rộng rãi sau đó khẳng định hiện tượng đi trên than nóng là có thật chứ không phải là một trò ảo thuật.

Không có gì là siêu nhiên

Các tài liệu trên cũng khẳng định hiện tượng đi trên than nóng hoàn toàn có thể lý giải bằng khoa học. Bí quyết là cách thức di chuyển làm sao cho thời gian tiếp xúc với than nóng là ngắn nhất.

Nhiệt lượng được truyền theo ba cách: đối lưu, bức xạ và dẫn nhiệt. Trong đó, dạng đối lưu và bức xạ chỉ xảy ra với chất lỏng, tia sóng. Như vậy, trong tình huống đi trên than hồng, việc truyền nhiệt giữa than nóng và bàn chân con người thuộc dạng dẫn nhiệt. Đó là sự tiếp xúc trực tiếp giữa các tế bào da chân và than nóng. Nhưng giữa hai yếu tố này còn có một chất cách nhiệt khác là lớp than chì và gỗ (chưa cháy), trong đó than chì có khả năng cách nhiệt cao gấp 4 lần gỗ ướt. Khi di chuyển nhanh, thời gian tiếp xúc giữa bàn chân và than nóng sẽ rất ngắn, nhiệt lượng truyền theo dạng tiếp xúc sẽ rất thấp, vì thế bàn chân sẽ không bị tổn thương.
Loại than được sử dụng thường từ gỗ tuyết tùng, hoặc bulô trắng. Chúng cháy rất đỏ lửa nhưng nhiệt độ không thật cao, chỉ gần 400 độ C. Than này rất chắc, khó tàn và không có những cạnh sắc, giúp người thực hành di chuyển dễ dàng hơn.

Trường dạy "đùa với lửa"

Sau lần đầu tiên đi trên than hồng vào năm 1977, ông Tolly Burkan, một chuyên gia về ảo thuật người Mỹ, đã bị môn này cuốn hút. Ông đã phát hiện ra đi trên than không phải là ảo thuật mà là một nghệ thuật. Những năm đầu tiên, do kỹ thuật chưa hoàn thiện nên ông bị nhiều vết thương ở chân. Nhưng sau đó, Burkan đã phát triển nhiều kỹ thuật mới và tập hợp lại thành một giáo trình để hướng dẫn mọi người.

Ông cho biết cô con gái là Amber đã làm quen với trò đi trên than hồng từ năm 2 tuổi. Đến năm 4 tuổi, Amber đã thực hành đi trên "thảm lửa" lần đầu tiên. Và đến nay ở tuổi 17, trò đi trên than nóng đã trở thành sở thích của cô. Nhiều học viên của Tolly có thể di chuyển trên than hồng bằng cách trồng cây chuối.

Ông Tolly cho rằng, đi trên than nóng là một môn rèn luyện tinh thần rất tốt. Bên cạnh việc rèn luyện thể lực (bằng cách tập đi bộ, tập các môn hỗ trợ khác), nó giúp người thực hành vượt qua sự sợ hãi của chính bản thân. Theo ông, chế ngự sự sợ hãi sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong cuộc sống, điều đó đồng nghĩa với sự thành đạt. Khẩu hiệu của ông là: "Hãy tin tưởng là bạn sẽ thành công".

Sau 30 năm hình thành, Trường Fire của Tolly đã cấp chứng chỉ cho 2.000 học viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Học viên của ông đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên, trẻ em chỉ được tham gia lớp quan sát hoặc lý thuyết, không thực hành.

Đi trên than nóng là chủ đề thực sự "nóng" của nhiều chương trình như Discovery, NBC, ABC, MTV và đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều người. Có điều, các bạn không nên tự tập ở nhà dưới bất kỳ hình thức nào vì có thể gây thương tích cho bản thân.

Theo Sức khỏe và Đời sống

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Bạn có cách đóng góp hay hơn hãy để lại vài lời để cùng chia sẻ với mọi người.